https://www.facebook.com/doitnow.vn
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Top posting users this month
No user

Latest topics
» Thư Viện 3D Max:
by huongmai 11/6/2014, 10:39 pm

» tiêu chuẩn xây dựng resort
by Ben Trần 12/11/2013, 2:05 pm

» Evermotion Archmodels
by nghiepbalie 7/10/2013, 10:07 pm

» bố cục không gian 1
by dangquang 20/9/2013, 1:17 pm

» Bài giảng Quy hoạch giao thông
by dangquang 15/5/2013, 12:56 pm

» GS. Kts. Hoàng Đạo Kính
by dangquang 23/3/2013, 8:12 pm

» Kts. Nguyễn Thanh Hà
by dangquang 23/3/2013, 8:09 pm

» !!!!!!!!!!!!!!!!!!
by dangquang 23/3/2013, 8:08 pm

» Ebook cho mọi người
by dangquang 18/3/2013, 6:30 pm

» Đồ án tốt nghiệp KTS Đoàn Ngọc Hiệp 93-98 xuất sắc
by chiaki 15/3/2013, 10:25 pm

» Kịch bản biến đổi khí hậu
by dangquang 15/3/2013, 8:16 am

» Nói chuyện đô thị với KTS. Hoàng Hữu Phê
by dangquang 15/3/2013, 8:13 am

» Các bài về khu nghỉ dưỡng đây
by dangquang 14/3/2013, 11:07 pm

» Quản lý đô thị: 10 chuẩn mực vàng
by chiaki 20/2/2013, 10:00 pm

» Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Thành phố (TPHCM)
by dangquang 8/2/2013, 10:50 pm

» Sẽ có thêm 100 cao ốc tại trung tâm TP HCM
by dangquang 8/2/2013, 10:42 pm

» Architect of the Year 2012 / Kiến trúc sư của năm 2012
by dangquang 8/2/2013, 10:20 pm

» Đồ án tốt nghiệp QHDT
by Admin 5/1/2013, 12:03 pm

» Bài giảng Kinh tế ĐT của thầy Bạch Anh Tuấn
by Admin 5/1/2013, 9:36 am

» Bài đọc tham khảo Kinh tế ĐT của cô Lan
by Admin 5/1/2013, 9:28 am

» Nhiều ý tưởng mới về kiến trúc đô thị Huế
by dangquang 4/1/2013, 4:34 pm

» Tản mạn danh ngôn kts
by dangquang 13/12/2012, 11:42 pm

» Đồ án thư viện 1- Hồng
by coc 24/11/2012, 11:32 pm

» Giải thưởng Ý tưởng Thiết kế “Nếu” 2012
by dangquang 14/11/2012, 10:02 pm

» Cuộc thi thiết kế Logo đảo Phú Quốc
by dangquang 14/11/2012, 9:44 pm

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


Kiến trúc nhà ở - Quá trình phát triển

Go down

Kiến trúc nhà ở - Quá trình phát triển Empty Kiến trúc nhà ở - Quá trình phát triển

Bài gửi  dangquang 28/4/2011, 1:23 am





Một vào nét về quá trình phát triển nhà ở

Nhà ở là loại hình kiến trúc xuất hiện sớm nhất. Đó là những không gian kiến trúc phục vụ cho đời sống sinh hoạt gia đình và con người. Nhà ở là một nơi trú thân đơn giản nhằm bảo vệ con người chống lại những bất lợi của điều kiện thiên nhiên hoang dã như: nắng, mưa, tuyết, gió, lũ, bão, thú rừng... đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho con người và gia dình của họ những điều kiện để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, sinh đẻ con cái, bảo vệ nòi giống, sau cùng còn có thể làm kinh tế để sinh tồn và phát triển.


Kiến trúc nhà ở có từ thời xã hội nguyên thuỷ tuy là rất thô sơ. Vào thời kỳ đồ đá cũ, con người cổ xưa sống trong những hang động nguyên sơ hoặc cao hơn là những hang động có gia công chút ít, những hốc núi những hố đá tự nhiên có xếp chèn thêm đá nhỏ, vụn, xung quanh hay có ken đất, cành lá cho kín đáo.

Tiếp đến, nhà ở của họ có hình thức kiểu liếp che chắn thô sơ, những vòm lá kín đáo ở trên cao để tạo nên chỗ náu ẩn tránh được mưa gió, tránh được ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu tự nhiên, tránh được hiểm hoạ của những cơ nước lũ, mưa rừng và còn tránh được sự dòm ngó, đe doạ của thú rừng. Sau đó là đến nơi ở có mặt bằng hình tròn xây dựng bằng đá hay lá kết bằng các cành cây. Đến thời kỳ chiếm hữu nô lệ, nhà ở phát triển thêm một bước dài, loài người khi ấy đã hoàn toàn chuyển từ nền kinh tế du canh di cư sang định cư lại tại những vùng đất phì nhiêu dễ dàng kiếm sống lâu dài. Xã hội loài người đã phân hoá hình thành những gia đình và bắt đầu có sự phân công xã hội rõ rệt. Bên cạnh những người lao động tự do, xã hội còn hình thành nên tầng lớp nô lệ và chủ nô.

Nhà ở của họ lúc này đã có những biến đổi sâu sắc. Sự phân hoá giai cấp thấy càng rõ nét hơn khi chúng ta nhìn vào ngôi nhà ở của họ: nhà ở của giai cấp thống trị (bọn chủ nô...) và của giai cấp bị thống trị (người nô lệ). Các chủ nô thường sống trong những ngôi nhà lớn hay trang trại có bố phòng kỹ lưỡng xây dựng kiên cố, còn những người lao động tự do và nô lệ phải sống trong những ngôi nhà được tổ chức đơn sơ bằng những vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như thảo mộc, đất đá, rơm rạ. Khoảng 4000 năm trước công nguyên, ở gần Cai - rô người ta đã phát hiện ra một điểm dân cư lớn với hai loại nhà điển hình.

Loại nhà khung gỗ, tường gỗ, trên khung có cài tường bằng gỗ ken sậy. Nhà có phong cách nhẹ nhàng và chất lượng thẩm mỹ tương đối cao.

Loại nhà có kết cấu gạch không nung, tường móng làm bằng đá hộc hình dáng nặng nề không ổn định.

Trung Hoa và Ấn Độ cũng đã có một nền văn minh nhà ở cổ đại cũng rất đáng được chú ý.

Tại đây có những ngôi nhà gạch màu đỏ, mái bằng có tường ngăn xây lửng không đến trần để thông gió. Trong thành phố còn có cả nhà hai tầng, tầng dưới là bếp, nhà tắm, kho, giếng, tầng trên là các phòng ngủ.

Từ thời đại đồ đá tiến lên thời đại đồ đồng ở Việt Nam tổ tiên xa xưa của chúng ta cũng đã rời bỏ hang động miền núi để tiến xuống miền trung du và đồng bằng, quần tụ theo từng cụm mảng ở các đỉnh gò, sườn đồi, chân núi và đồi đất. Những gióng tre, những mảnh phên đan và đặc biệt là những cột nhà bằng gỗ dài đến 4,5m có lỗ mộng (để bắc sàn) cách chân cột trung tâm 1,25m. Đó là những ngôi nhà ở trên sàn, không có tường, mái cong võng hình thuyền và chảy xuống sát sàn, kiêm luôn chức năng vách che, hai đầu mái phía trên uốn cong cuộn lại và nhô ra phía xa, trên nóc mái trang trí có một hoặc hai con chim đậu. Cạnh nhà ở còn có nhà kho cũng ở trên sàn, mái cong vồng lên hình mui thuyền, hai sườn mái rất dày.

Sang xã hội phong kiến sự phân hoá xã hội và giai cấp ngày càng sâu sắc. Nhà ở lúc này đã có sự khác biệt rất lớn giữa những người nông dân tự do sống bằng kinh tế nông nghiệp định canh, định cư và tầng cai trị quan lại.

Tại châu Âu loại dinh thự và trang viện của nhà giàu thời kỳ này cũng được phát triển mạnh mẽ. Dinh thự xây dựng bằng đá mà cả tường chu vi bảo vệ bên ngoài cũng được xây dựng bằng đá dày để bao quanh cả khu vực sân giữa các nhà, bên trên nóc nhà có bố trí nhiều tháp vừa để trang trí vừa để phục vụ phòng thủ với hình thức mặt bằng bưng bít kín đáo. Những trang viện lớn thường có tường luỹ và hào nước bao quanh, trên thành có vọng lâu và cửa vào có cầu treo. Bộ mặt bên ngoài của trang viện rất nặng nề nhưng ngược lại nội thất lại rất giàu tính trang trí. Vật liệu xây dựng chính là gạch và đá. Trên mặt tường gạch và đá cũng thể hiện sự đơn giản mà vững chắc. Nhà thường là có lái dốc và nhiều tầng gác áp mái, có tầng dưới là cửa hiệu, tầng trên dùng để ở, có tường hồi nhà được chú ý trang trí.

Kiến trúc nhà ở Việt Nam xây dựng bằng gạch từ lúc chưa biết dùng xi măng. Họ thường dùng một thứ vữa đặc biệt mà thời gian tồn tại đã chứng minh. Nếu đá rắn ít được dùng trong kiến trúc dân dã thì đá ong lại là một vật liệu thông dụng trong nhà ở dân gian vì dễ sử dụng và khai thác, phổ biến dùng để xây tường. Lối xây dựng gian - vì kèo cũng là một biểu hiện của xu hướng khai thác thông minh hệ cấu trúc tre - gỗ vững chắc trong điều kiện của VLXD vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ thời bấy giờ. Có thể nói, trong xã hội phong kiến, nhà ở dân gian hay đình chùa, lăng, miếu... đều chủ yếu xây dựng từ gỗ và gạch đất nung, trong đó gỗ lim bị bọn vua quan phong kiến cấm người dân không được dùng.

Về bố cục tổng thể không gian kiến trúc các nghệ nhân Việt Nam rất chú ý đến địa hình, địa vật. Khi công trình được xây dựng ở đồng bằng thì bờ đê, con trạch cao hơn mặt nước vài ba mét đã là một địa hình cần chú ý (như một gò đống hay đồi núi). Hầu như bao giờ nhà ở, công thự cũng chiếm lĩnh vị trí lưng đồi, công trình kiến trúc không mấy khi xây ở nơi đỉnh cao để chế ngự không gian mà thường tựa lưng vào đồi và chân núi để trở thành một bộ phận đột xuất tự nhiên của thiên nhiên. Bố cục cân đối của toàn bộ các công trình vừa làm cho tổng thể hoà hợp với nhau vừa làm tăng thêm vẻ quy mô, tính hoành tráng của kiến trúc, khiến cho kiến trúc và cảnh vật từ lâu đã vốn thống nhất với nhau càng nổi bật lên sự hài hoà.

Đến thế kỷ 20, nhà ở đã xuất hiện những dạng nhà mới như các biệt thự sang trọng thành phố cho các tầng lớp tư bản và thương nhân, các nhà cho thuê kiểu ký túc cho các tầng lớp công nhân và nông dân rời bỏ nông thôn ra thành phố, các kiểu nhà ở liên kết và chung cư cho các tầng lớp trung gian, các thị dân, các trí thức, người buôn bán nhỏ tự do. Nội dung nhà ở tầng lớp trên đã có những biến đổi quan trọng, có phân khu chức năng rõ rệt, có nhiều buồng phòng biệt lập cho từng thành viên, tạo điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân phát triển. Các tiện nghi mới do tiến bộ của khoa học kỹ thuật mang lại đã nhanh chóng được trang bị cho những không gian ở tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống trong ngôi nhà ở biệt thự. Ví dụ: quạt gió cơ khí, hệ thống sưởi ấm nhân tạo cải tạo vi khí hậu, ánh sáng điện thay cho ánh sáng nến, đun nấu củi than được thay thế bằng bếp điện, bếp ga...

Kiến trúc nhà ở giai đoạn này được nhìn nhận dưới góc độ cụ thể hơn của kinh tế thị trường đã trở thành một thứ hàng hoá có giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, cần đến một số cải cách về phương pháp thiết kế cũng như phương pháp sản xuất để mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Chính vì vậy vấn đề thích dụng và vấn đề mỹ quan và thị hiếu nhà ở đã được đặt ra.

Nhà ở thời kỳ này có sự phân hoá và mâu thuẫn hết sức rõ ràng trong nội dung và hình thức giữa các tầng lớp trong xã hội. Nhà ở tầng lớp trên rất hiện đại phong phú, đa dạng. Tất cả những tiện nghi đô thị và đời sống văn minh hầu như tập trung vào ngôi nhà của họ. Nhà ở của các tầng lớp trung lưu ngoài ngôi nhà ở chính hiện đại còn có nhà nghỉ nhỏ cuối tầng ở ngoại ô. Phần lớn số dân cư phải sống trong những chung cư nhiều tầng, cao tầng ở ven đô với tiện nghi trung bình. Có một bộ phận dân chúng, những người dân nghèo đô thị phải sống trong những ngôi nhà ổ chuột tạm bợ (bidonville).

Trong thời kỳ kinh tế tư bản hậu công nghiệp phát triển cao tức là thời kỳ của văn minh tin học, của công nghệ - kỹ thuật cao, công nghệ - sinh học nhà ở sẽ còn tiến hoá và phát triển mạnh ở thế kỷ XXI. Ở thời kỳ này con người sẽ lao động ít ngày đi, quỹ thời gian rảnh rỗi tăng lên, nhu cầu sáng tạo nghiệp dư và phát triển văn hoá tinh thần và đời sống tâm linh sẽ tăng lên. Nhà ở lúc này trở thành đơn vị "tổ ấm sáng tạo".

Một số lý thuyết về nhà ở trên thế giới

Có rất nhiều nhà kiến trúc nổi tiếng trên thế giới xây dựng những lý thuyết về nhà ở. Nổi bật và có tính cách mạng toàn cầu là hai KTS: Frank Lloyd Right (1867 - 1959) và Le Corbusier.

* Frank Lloyd Right (1867 - 1959). Lý thuyết của ông bao gồm 6 luận điểm cơ bản sau:

1. Đơn giản và hài hoà

2. Thể loại công trình có nhiều loại giống như nòi giống của con người

3. Công trình hoà mình vào thiên nhiên

4. Màu sắc của nó phải tương ứng với cảnh quan

5. Mỗi vật liệu có một cấu trúc riêng trong biểu hiện

6. Giá trị của công trình sẽ tăng theo thời gian.

Hình thức và công năng là một.

* Le Corbusier. Ông sinh năm 1887 tại La Chaux -de- Fonds, Thuỵ Sĩ. Tên thật của ông là Charles - Edouard - Jeanneret nhưng đến năm 1920 ông nhập quốc tịch Pháp và lấy tên là Le Corbusier. Ông theo học ở trường Đại học Mỹ thuật ở La Chaux -de- Fonds.

Ông định nghĩa kiến trúc như sau: "Kiến trúc là một thực thể nghệ thuật và là hiện tượng rung động nội tâm" và nhấn mạnh "kiến trúc đứng ngoài vấn đề kết cấu và hơn thế đối lập với kết cấu".

Theo ông các hình khối căn bản: hình lập phương, hình chóp, hình cầu, hình trụ và hình kim tự tháp là những hình đẹp, tuyệt đẹp vì chúng biểu lộ ánh sáng một cách rõ ràng, hình ảnh của chúng thuần khiết, dễ hiểu và minh bạch.

Theo Le Corbusier tất cả đều dựa trên mặt bằng: "Không có mặt bằng thì không có trật tự". Mặt bằng đã tác động một phần lên giác quan của chúng ta.

"Cuộc sống mới yêu cầu nhiều hơn thế nữa, đòi hỏi phải có mặt bằng mới cho ngôi nhà và cho cả thành phó". Ông cho rằng "ở đâu có bố cục trật tự, ở đó có cảm giác thoải mái" và "mặt bằng là chìa khoá mở ra một nền kiến trúc mới".

Le Corbusier yêu cầu phải thiết kế từ trong ra ngoài: "Cái bên ngoài là hệ quả của cái bên trong".

Cuối cùng Le Corbusier đã đưa ra 5 luận điểm của kiến trúc mới, đó là: nhà trên cột, vườn trên mái, mặt bằng tự do, cửa sổ băng rộng và mặt đứng tự do. Ông còn nêu lên các ưu điểm của vật liệu mới mà nhờ đó 5 luận điểm trên có thể thực hiện được. Mặc dù ngon ngữ tạo hình của ông dựa trên cơ sở công năng, kết cấu và kinh tế, song các công trình do ông thiết kế không hề khô khan mà đầy sự lôi cuốn hấp dẫn vì ông không hề bỏ qua yếu tố thẩm mỹ. Sức tưởng tượng phong phú và cảm giác thẩm mỹ chắc chắn là tiền đề cho những thành công của ông.

Kiến trúc được ngang bằng với thẩm mỹ kỹ thuật và quy luật kinh tế đã đưa chúng ta đến với các quy luật tự nhiên trong sự hài hoà.Ý tưởng về tiêu chuẩn hoá có từ thời Muthesius và Gropius đã được ông tóm lại trong câu kết luận: "Ngôi nhà là cỗ máy để ở". Le Corbusier chính là người đi tiên phong cho cuộc cách mạng xây dựng nhà ở. Ông là người thúc đẩy và góp phần lớn làm thay đổi bộ mặt kiến trúc nhà ở trên toàn cầu. Những thay đổi có tính chất cách mạng và sâu sắc. Kể từ đó, nhà ở bắt đầu được xây dựng hàng loạt, rẻ tiền và trở nên có tính xã hội cao. Giữa và cuối thế kỷ 20, nhà ở chuyển sang một giai đoạn phát triển khác. Việc xây dựng một không gian ở hài hoà, hoà đồng với thiên nhiên, không phá vỡ môi sinh hết sức được quan tâm. Điển hình là những lý thuyết "Kiến trúc sinh thái - nhà ở sinh thái" của Ken Yeang hay kiến trúc sinh học, cộng sinh v.v...

Một số yêu cầu thiết kế kiến trúc nhà ở

Càng ngày, kiến trúc nhà ở càng được hoàn thiện. Yêu cầu về chất lượng ở ngày càng cao. Nhìn chung khi thiết kế, kiến trúc nhà ở cần phải đáp ứng được:

Yêu cầu đặc thù riêng của đối tượng ở (nghề nghiệp, giới tính, độ tuổi) bằng tổ chức không gian cư trú không chỉ phù hợp với khí hậu tự nhiên từng vùng mà còn với phong tục tập quán của họ, lối sống riêng theo nghề nghiệp của gia chủ.

Tạo điều kiện phát triển nếp sinh hoạt văn hoá xã hội mới văn minh, tiến bộ mà vẫn tôn trọng cá tính, đời sống riêng biệt của mỗi căn hộ và của các thành viên trong gia đình.

Tôn trọng cơ sở quy hoạch chung, gắn liền hữu cơ không gian ở với tổ chức công trình phúc lợi công cộng, hệ thống đường sá của cộng đồng, của khu vực.

Xây dựng mới phải kết hợp được với hệ thống các không gian công cộng và tiến hành song song với việc cải tạo những khu nhà ở cũ, cố gắng làm cho hai yếu tố này hài hoà, góp phần làm khang trang bộ mặt thành phố, tăng chất lượng sống các khu cư trú.

Đẩy mạnh việc công nghiệp hoá và công tác thiết kế điển hình bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội - văn hoá các khu nhà ở.

Cụ thể, khi thiết kế nhà ở, người thiết kế phải tính đến:

1. Điều kiện môi trường tự nhiên trong khu vực đặt công trình. Bao gồm:

- Điều kiện về địa hình - đặc điểm xây dựng.

- Điều kiện về khí hậu. Về phần này cần chú ý đến: Hướng của công trình; Thông gió tự nhiên; Chống nồm; Chống mưa tạt, chống ẩm và che gió lạnh mùa đông; Chống thấm dột.

2. Cơ sở về xã hội nhân văn

Ngôi nhà ở thường phản ánh rõ nét những tiến bộ của đời sống kinh tế và văn hoá, những đặc thù lối sống của gia đình. Muốn thiết kế tốt không chỉ căn cứ trên sự phân tích "duy lý - công năng" mà còn cần được xem xét dưới khía cạnh "Mô hình văn hoá".

- đặc điểm về dân số

- Đặc điểm về cấu trúc gia đình

- Cấu trúc nghề nghiệp của chủ hộ

- Mức độ kinh tế của chủ hộ tương lai

- Cơ sở về văn hoá truyền thống.

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có bản sắc văn hoá dân tộc riêng, chính vì vậy khi thiết kế, người kiến trúc sư cần phải nắm được những nét riêng trong sinh hoạt lối sống gia đình, trong quan hệ giữa gia đình với cộng đồng để tổ chức không gian cư trú và kiểu cách tổ hợp căn nhà hợp lý, đậm đà bản sắc dân tộc. Chọn đất, xem tướng đất (đặc điểm khu đất xây dựng, định kiểu nhà, hoà đồng với thiên nhiên, nương theo thiên nhiên để làm lợi cho mình, một lối sống đề cao tính cộng đồng tróng đó vị thế và nhân cách cá nhân phụ thuộc chặt chẽ vào tập thể gia đình và làng xóm, một lối sống coi trọng và đề cao cái tâm, chữ tín và đạo hiếu lễ nghĩa).

3. Cơ sở về kinh tế kỹ thuật

4. Định hướng về tiêu chuẩn ở

5. Định hướng về các hình thức sản xuất nhà, biện pháp tăng quỹ nhà ở.

Nói tóm lại, căn nhà là một tập hợp không gian kiến trúc phục vụ riêng cho một gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, là đối tượng phục vụ của căn nhà, do vậy căn nhà cũng có các chức năng cơ bản giống như gia đình:

- Bảo vệ và phát triển thành viên

- Tái tạo sức lao động

- Xã hội hoá hay giáo dục xã hội ban đầu

- Chức năng văn hoá giáo dục

- Chức năng kinh tế.

Vì đây là nơi nghỉ ngơi tổ ấm của con người sau một ngày làm việc mệt mỏi vất vả ngoài xã hội nên ngôi nhà cần phải bảo đảm:

- Bảo đảm sự kín đáo, riêng tư cho sinh hoạt gia đình, cho từng thành viên của nó.

- Bảo đảm sự an toàn, chống được mọi sự xâm nhập quá dễ dàng của người lạ và chống được tác động xấu của khí hậu (nóng, lạnh, quá nhiều gió, mưa tạt...) của sự bất trắc (các tình thế nguy hiểm).

- Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường. Phòng cần thông thoáng, không quá nhiều đồ đạc, có không khí tươi, có gió trời, ánh nắng... và độ ồn thích hợp.

- Hài hoà với môi trường xung quanh.


(Nguồn tin: ThS.KTS. Vũ Hoàng Lưu - Tuyển tập NCKH 2006-Viện Nghiên cứu Kiến trúc)
dangquang
dangquang
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 581
Join date : 16/01/2011
Age : 33
Đến từ : Hue citadel

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết